Chiến lược phát triển

 22/04/2016  5520

PHẦN I

MỞ ĐẦU

1. Giới thiệu về Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên

1.1. Thông tin chung về Nhà trường

a. Tên trường

Tên Tiếng Việt: Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên.

Tên Tiếng Anh: TNU, University of Economics and Business Administration (TUEBA).

b. Địa chỉ và thông tin liên hệ

Địa chỉ: Phường Tân Thịnh - Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Website: www.tueba.edu.vn;   

Email: webmaster@tueba.edu.vn;

Số điện thoại: 0208.3647.685;   

Fax: 0208.3647.684

c. Cơ quan chủ quản: Đại học Thái Nguyên

1.2. Quá trình hình thành và phát triển của Nhà trường

Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên (TUEBA) được thành lập theo Quyết định số 136/2004/QĐ-TTg ngày 02/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sáp nhập và tổ chức lại hai khoa: Khoa Kinh tế Nông nghiệp thuộc Trường Đại học Nông Lâm và Khoa Kinh tế Công nghiệp thuộc Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp nhằm sắp xếp và tổ chức lại các đơn vị đào tạo về kinh tế, quản trị kinh doanh và quản lý trong Đại học Thái Nguyên.

Cơ cấu tổ chức của Trường gồm Hội đồng trường, Ban Giám hiệu (Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng), 08 phòng chức năng, 07 Khoa chuyên môn, 05 Trung tâm, 01 Viện Nghiên cứu và các Tổ chức Đoàn thể. Tính đến tháng 12 năm 2016, tổng số cán bộ viên chức của Nhà trường là 492 người, trong đó có 345  giảng viên bao gồm 10 phó giáo sư, 35 tiến sĩ và 264 thạc sĩ.

Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh tổ chức đào tạo ở cả ba bậc: đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, với 02 chuyên ngành đào tạo bậc tiến sĩ, 03 chuyên ngành đào tạo bậc thạc sĩ và 7 ngành với 27 chương trình đào tạo bậc đại học. Ngoài ra, Nhà trường còn tổ chức các chương trình liên kết đào tạo quốc tế với nhiều đối tác như Trung Quốc, Philipines, Hàn Quốc… Quy mô đào tạo tính đến tháng 12/ 2016 gồm có 52 nghiên cứu sinh, 710 học viên cao học và 6883 sinh viên đại học các hệ.

Trong những năm đầu thành lập, Nhà trường gặp nhiều khó khăn, từ thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng viên đến kinh nghiệm trong vận hành của một trường Đại học. Nhưng với hơn 10 năm phấn đấu nỗ lực không ngừng, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh đã đạt được nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất được xây dựng khang trang và ổn định, đội ngũ cán bộ giảng viên không ngừng được nâng lên cả về chất lượng và số lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển đào tạo trong thời kỳ hội nhập; quy mô cũng như chất lượng đào tạo đều được tăng lên và đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Trong những năm qua, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh đã từng bước khẳng định được uy tín, tạo được vị thế vững chắc trong Đại học Thái Nguyên và khu vực về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế, đạt được nhiều thành tích như quy mô đào tạo không ngừng tăng lên, nhất là đào tạo nguồn lực trình độ cao thạc sĩ, tiến sĩ; nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội; là điểm sáng trong hợp tác quốc tế của Đại học Thái Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu mở rộng quy mô đào tạo; hiệu quả và cơ chế quản lý nhà trường còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu đổi mới quản lý và cải cách hành chính trong giáo dục; chất lượng dịch vụ đối với sinh viên và giảng viên còn nhiều điểm cần bổ sung, hoàn thiện. Để đáp ứng được yêu cầu phát triển đào tạo trong thời kỳ hội nhập và đáp ứng nhu cầu xã hội, Nhà trường cần hoạch định chiến lược phát triển nhằm đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

1.3. Chức năng và nhiệm vụ của Nhà trường

Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh là Trường đại học công lập, trực thuộc Đại học Thái Nguyên. Trường có chức năng đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và trên đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, luật và quản lý nhằm phục vụ  yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiệm vụ chính của Nhà trường bao gồm:

- Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ về các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, quản lý và luật;

- Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, các địa phương, các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.

- Cung cấp các dịch vụ tư vấn, bồi dưỡng nhằm cập nhật và nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho các doanh nghiệp, cán bộ quản lý của các tổ chức kinh tế - xã hội và các địa phương;

- Hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai các dự án phát triển Nhà trường.

2. Yêu cầu xây dựng chiến lược phát triển Nhà trường

Ngày nay, Việt Nam ngày càng coi trọng giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là hệ thống các trường Đại học, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển nền kinh tế tri thức. Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định “Giáo dục  đào tạo cùng với Khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu[1] để sáng tạo ra hệ thống giá trị hiện đại, mới mẻ, làm nguồn lực thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế đã xác định: “Hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương và đa phương, thực hiện các cam kết quốc tế về giáo dục, đào tạo... Mở rộng liên kết đào tạo với những cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín, chủ yếu trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp... Có cơ chế khuyến khích các tổ chức quản lý quốc tế, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế[2]. Những chỉ dẫn quan trọng này của Đảng là cơ sở thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Trong các văn kiện trình Đại hội XII, Đảng ta nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt và làm rõ hơn lập trường, quan điểm, tính nhất quán về sự cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Kế thừa quan điểm chỉ đạo của nhiệm kỳ trước, Đảng ta đưa ra đường lối đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xác định đây là một kế sách, quốc sách hàng đầu, tiêu điểm của sự phát triển, mang tính đột phá, khai mở con đường phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong thế kỷ XXI, khẳng định triết lý nhân sinh mới của nền giáo dục nước nhà “dạy người, dạy chữ, dạy nghề”.

Đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2020 đã khẳng định các mục tiêu cơ bản: đào tạo theo hai hướng: “nghề nghiệp - ứng dụng và nghiên cứu - phát triển, thực hiện đào tạo theo tín chỉ, thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục Đại học, tăng cường tính tự chủ của các trường Đại học, thỏa thuận công nhận bằng cấp với các nước trong khu vực và trên thế giới”.[3]

Là một trong những trường đại học thuộc Đại học Thái Nguyên - một đại học vùng của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Trường đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh cần khẳng định vai trò và nhiệm vụ của mình góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, NCKH và chuyển giao công nghệ, thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục đại học và sau đại học cho đất nước. Để thực hiện thành công những nhiệm vụ chung của giáo dục đại học Việt Nam, tiếp tục duy trì và phát huy những thành tựu và khắc phục những nhược điểm, khó khăn hiện tại, hướng tới một trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh mang tầm cỡ quốc tế cả về quy mô và chất lượng giáo dục đại học cũng như NCKH; Đảng ủy, Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu và toàn thể cán bộ giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên cùng gia đình cũng như bạn bè và đối tác của Trường trong và ngoài nước khẳng định cần phải xây dựng và thực hiện thành công “Chiến lược Phát triển Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

3. Mục đích xây dựng văn bản chiến lược của Trường

Làm căn cứ để Nhà trường hoạch định các mục tiêu, các chương trình hành động và hệ thống giải pháp chiến lược để đạt được các mục tiêu đã định trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

4. Giá trị sử dụng của văn bản chiến lược của Trường

- Làm định hướng chiến lược phát triển trong tương lai cho toàn bộ hoạt động của Nhà trường; làm cơ sở để xây dựng kế hoạch chiến lược cho từng mảng hoạt động cũng như làm cơ sở cho xây dựng các kế hoạch trung hạn và ngắn hạn;

- Làm cơ sở trong việc đổi mới đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và quản lý công tác đào tạo trong Nhà trường;

- Làm cơ sở để giám sát, tổng kết đánh giá kết quả, điều chỉnh các hoạt động của Nhà trường và xây dựng các kế hoạch dự phòng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và giảm bớt rủi ro có thể xảy ra trong tương lai;

- Xác định các lĩnh vực ưu tiên cho từng giai đoạn phát triển của Nhà trường;

- Xây dựng và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị trong trường và giữa Nhà trường với các đơn vị bên ngoài trường.

 


[1] Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X

[2]Nghị quyết số 29/-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 của BCH Trung Ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục-đào tạo

[3]  Đề án đổi mới giáo dục Đại học Việt Nam

 

Nhấn để xem Nội dung chi tiết chiến lược phát triển của Nhà trường


BÀI VIẾT LIÊN QUAN